Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

Tửng tửng Quảng gặp tửng tửng Huế


Trần Kiêm Đoàn


Huế là kinh đô của vương triều nhà Nguyễn, nên Huế phải khác thường. Tâm lý "Đế đô" là tâm lý sang cả, đài các. Ăn thì phải ăn nhiều món, chuẩn bị cầu kỳ -- Dẫu là muối bảy món -- Mặc thì phải áo dài lượt là lượt khi ra đường; dẫu là gánh chè bán dạo, áo vá bạc màu. Nói thì phải nói cho sang, chữ nghĩa thưa bẩm đúng trật tự, không cong đuôi cụt đầu, dẫu có mắng nhiếc ai nặng lời thì cũng phải có vần có điệu phù hợp với bài bản.

Cách biểu hiện tình cảm cũng phải đượm mầu quý phái. Có nghịch ngợm thì cũng phải chòng ghẹo "rím rím". Nghĩa là phải kín đáo, dẫu "có hoang chẳng giống người thường". Không nói toạc móng heo những ý tưởng riêng tư thầm kín mà nói ra nửa kín nửa hở. Khi cái trạng thái hư hư, thự thực, nói năng bóng bẩy, lời lẽ bốn phương, hiểu phương nào cũng đúng nầy mà đạt đến trạng thái thăng hoa nghệ thuật thì sẽ trở thành cái "tửng tửng" điển hình của Huế. Đây là cách kiểu nói ra hay biểu hiện thái độ một cách tự nhiên và tỉnh táo như đùa như thật; như nghiêm như trêu; như theo như chống...

Trong thơ ca, nhất là thi văn xướng họa thì sự trêu ghẹo nhau bằng chữ nghĩa thường trở thành những màn chơi chữ đầy nghệ thuật thú vị. Kiểu nói tửng tửng nầy thật không ngờ lại chưa hẳn là sở trường của Huế. Một người bạn Huế, phóng một câu tuyệt tác tửng tửng đến nước nầy thì con dân văn bút nhà Huế chỉ còn nước sắp hàng một vỗ tay hoan hô:

Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương

Dạ thưa, đó là Bùi Giáng, anh học trò trong Quảng ra thi của một thời Quốc Học...
Mới nghe qua hai câu thơ đệ nhất tửng tửng nầy đã có người lên tiếng:
- Nói chi lạ rứa hè! Sông Hương núi Ngự thì muôn năm vẫn là sông núi cũ chứ có bò đi mô mà phải tìm kiếm! Nói theo kiểu ni thì có khác chi nói lại rằng:

Dạ thưa cái cổ đã lâu
Vẫn còn dính với cái đầu, hai vai

Có những chân lý thị hiện hằng ngày đâu cần tìm kiếm. Nhưng sự nghịch lý của đời nầy là càng hiện rõ chừng nào, càng khó thấy chừng đó. Như lý thuyết nhà Phật thường nhấn mạnh chân tâm Phật tánh ở ngay trong mỗi con người, nhưng có được bao nhiêu người tìm ra được. Sông Hương Núi Ngự đi qua ngày hai buổi nhưng mấy người chịu lắng lòng để nghe câu chuyện dâu bể của dòng sông; mấy người nghiêng mình vào cõi vô trú để nhìn ra dáng vẻ đầy uy vũ muôn trùng của ngọn núi.

Cái nhìn của Hàn Mặc Tử là cái nhìn quá tĩnh lặng và xuyên suốt bản chất mới thấy được "Nắng hàng cau" nơi thôn Vỹ Dạ. Cái nhìn của Bùi Giáng là cái nhìn bão nổi trong cảm xúc và uyên thông trong trí tuệ mới thấy được trái tim của Huế. Bao nhiêu thế hệ đã đi qua. bao nhiêu nguy biến đã dập vùi mà "Vẫn Còn". Căn tính chưa lụi tàn, thể tính chưa phôi pha nên vẫn còn, vẫn còn và vẫn còn... Vẫn còn Núi Ngự bên dòng sông Hương. Huế vẫn còn là Huế.

Một thời, có ai nói đến thơ xưa, thơ mới, thơ siêu thực, thơ tượng trưng, thơ nguyên tử... tôi lại lan man nghĩ đến Bùi Giáng với Mưa Nguồn và những bài thơ đăng rải tác đâu đó trên các sách báo miền Nam thời đi học. Có lẽ tại tôi mê chuyện kiếm hiệp nên thích những mẫu người kỳ lạ hơn là nghiêm túc nghĩ đến văn chương.

Điều tôi thích nhất ở Bùi Giáng không phải là những vòng hào quang cũng như gai góc mà người đời đã không ngớt mang tặng cho ông. Tôi thích nhất ở Bùi Giáng là thái độ rong chơi của ông trong thi ca tư tưởng. Ông nói chuyện triết học cao siêu dễ dàng và cà rỡn như nói chuyện Tấm Cám và nói chuyện Tấm Cám xa vời như tư tưởng của Kant, Nietzsche, Heidegger. Đọc sách của ông rất khó phân biệt được biên giới giữa thi ca và triết học. Ông bàn về chuyện triết học như làm thơ và làm thơ như chuyện đùa giỡn. Bùi Giáng là người làm xiếc trong ngôn ngữ với một “bút-pháp-không-bút pháp”. Thơ ông đầy những từ đẹp như hoa gấm, những câu tuyệt bút, nhưng cũng không thiếu những chữ đệm “tầm ruồng” (chữ của chính Bùi Giáng), những câu khó hiểu, những ý mờ mờ nhân ảnh, nên rất dễ làm hoa mắt những đầu óc quá thông thái mà thiếu cái Tâm thoáng đạt, hồn nhiên, chất phác; thậm chí... quê mùa!

Khái niệm cổ điển lập ngôn, lập thuyết hay “văn dĩ tải đạo” trong sáng tạo văn chương có vẻ không hợp như những chiếc áo thụng xanh đỏ rộng thùng thình trên tấm thân gầy guộc của Bùi Giáng. Ông đã bứt phá những vòng trói buộc nghìn năm của những thước đo, những “râu mép” (Road Map) làm khuôn vàng thước ngọc cho đường bay sáng tác thi ca: “Thơ tôi làm... là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào trung tâm bão giông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thóat ra phá vòng vây...”

Bởi vậy, trong Thi Ca Tư Tưởng ông đã “báo động” cho các bậc học giả và giả học rằng:
Thơ tôi làm ra là để tặng chuồn chuồn châu chấu, xin các ngài học giả hãy xa lánh thơ tôi.

Trong suốt nửa chiều dài của thế kỷ nầy, cả trong nước lẫn ngoài nước, đã có quá nhiều bài viết về Bùi Giáng. Hay ho cũng lắm mà tào-lao-luận ba hoa chích chòe cũng nhiều. Dường như ai cũng cố vẽ ra một Bùi Giáng, muốn biết một Bùi Giáng thật sự, nhưng hầu như tất cả các cây bút đều ngại ngùng, lúng túng trước một khối lượng tác phẩm “khó tiêu hóa” quá lớn và một bút pháp lắt léo, quanh co, bay lượn của một “tay phù thủy ngôn ngữ” như ông. Thế nhưng, sau những trận mưa tắm gội ngôn ngữ của người đời dành cho Bùi Giáng, người ta đành chào thua trong cố gắng nhằm phân tích “phức liệu Bùi Giáng” để trả Bùi Giáng về lại Mưa Nguồn của chính ông. Khổ nổi là chưa bao giờ thấy Bùi Giáng lên tiếng phân bua hay cãi chính về những khen chê của người khác dành cho mình. Và càng im lặng, ông càng nổi tiếng. Xung quanh Bùi Giáng nổi lên quá nhiều giai thoại. Những giai thoại cứ xoắn riết ông từ lớp nầy đến lớp nọ; trong khi Bùi Giáng vẫn tiếp tục sống lang thang lây lất, ăn bụi, ngủ hè, bị gậy, áo rách quần xài, khi ẳm chó, khi ôm mèo, đánh bạn với thú vật, muông cầm, cây cỏ, loanh quanh các nẽo đường gió bụi Sài gòn.

Có thể nói Bùi Giáng là một hiện tuợng thi ca, văn học lạ lùng nhất của Việt Nam thời cận đại. Lạ lùng như một dấu hỏi - vẫn còn mãi là một dấu hỏi nơi ông:

Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm

Bùi Giáng đã trải qua một cuộc rong chơi tận tình, chất ngất trong tư tưởng và giữa cuộc đời. Ông sinh năm 1925 tại Quế Sơn, Quảng Nam, đã từng đặt cho mình nhiều bút hiêu khác nhau: Báng Giùi, Bùi Báng Giúi, Búi Bàng Giùi, Vân Mồng, Trung Niên Bùi Thi Sĩ, Thi Sĩ Đười Ươi, Bùi Brigitte...

Bùi Giáng học trường Quốc Học Huế và đột nhiên bỏ học vì lý do, theo lời ông trong tác phẩm Đi Vào Cõi Thơ, là bị “chấn động dị thường” bởi vì tập thơ Lửa Thiêng của Huy Cận. Ông bỏ học về quê chăn dê và đọc sách. Từ đó, ông trở thành một học giả uyên bác hầu như “vô sư tự ngộ”, tự đọc sách , tự học hỏi mà khai phá trí tuệ giống như thiền sư Huyền Giác ngày xưa đọc kinh Duy Ma Cật mà “phát sinh tâm địa”. Đây cũng là khởi điểm cho Bùi Giáng suốt đời âm thầm đi trên con đường tư tưởng đôc đáo và riêng biệt của mình.

Tập thơ đầu tay của Bùi Giáng là tập Mưa Nguồn xuất bản tại Sài gòn năm 1962 và tập thơ cuối cùng là tập Đêm Ngắm Trăng xuất bản năm 1997. Trong cuộc hành trình 35 năm đó, Bùi Giáng đã càng ngày càng chứng tỏ ông là một người nghệ sĩ với dáng dấp tàng tàng, lọt tọt (chữ của Nguyễn Hàn Thư) đi rong chơi khắp muôn vạn nẽo trong cõi thơ.

Thơ của Bùi Giáng thường không dễ hiểu, nhưng rất dễ ngấm mà những đầu óc "ngầu" chữ nghĩa thích gọi là “trực cảm nguyên ngôn” hay gì gì đó... Thử đọc và “ngấm” một khúc “Ly Tao” của ông:

Giờ ngẫu nhĩ như hồng bay em ạ
Và yêu thương như lá ở bên hoa
Và luyến ái như tơ vàng bốn ngã
Bủa vi vu như thoáng mộng la đà

Lần đi từ điểm khởi phát của Mưa Nguồn và của Ly Tao là một gã trai quê chăn bò trên vùng quê hẻo lánh xứ Quảng. Thuở đó, tâm hồn Bùi Giáng đầy cây lá và những cảm xúc nhân ái, chân thành. Tâm thức ông tan loãng, hòa nhập với thiên nhiên cỏ nội hoa đồng:

Anh lùa bò vào đồi sim trái chín
Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim
Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín
Anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh
Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa
Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh
Chìm ngây ngất vào trong đôi mắt lã
Anh lim dim cho chết lịm hồn mình
(Anh lùa bò... Mưa Nguồn, tr153)

Và có chăng tình yêu ngày đó với cô gái quê bên bờ cỏ mượt thì cũng chỉ là những xao xuyến buổi đầu đời. Rồi tình yêu đó cũng chỉ là những cảm xúc rất vi vu và hư ảo, không đậu lại trên một thân xác nào có thật màrong chơi theo ông, rồi “tan đi trong hố thẳm chôn vùi”:

Nhìn em nhé bên kia bờ gió thổi
Lá xanh vườn theo cỏ mượt ngân nga
Tơ vi vút một đời thương nhớ tuổi
Của trăng rằm xuống dọ dẫm bên hoa
Khung cảnh ấy nằm sâu trong đáy mắt
Có lệ buồn khóc với lệ hòa vui
Để tràn ngập hương mùa lên ngan ngát
Rồi tan đi trong hố thẳm chôn vùi
(Bờ nước cũ. MN, tr 49)

Hình như giữa cuộc rong chơi, Bùi tiên sinh có lúc dừng lại để ngắm cái đẹp, chiêm nghiệm cái đẹp, cảm thụ cái đẹp một cách rất chi là não nùng trang trọng:

Anh quỳ xuống giơ hai tay bệ vệ
Chỉ xin nâng một giọt lệ êm đềm
(Tự hỏi vì sao)

Em đi đắm đuối tấm lòng
Có bao giờ biết người trăm năm buồn
(Tỉnh mê)

Anh sẽ khóc suốt thiên thu tình lụy
Của vấn vương tình nghĩa nặng muôn nghìn
(Vì có lẽ)

Tuổi thơ em có buồn nhiều
Hãy xin cứ để bóng chiều bay qua
Mưa có lạnh nhưng chân trời còn mãi
Những giọt suơng là lệ ở trong mây
Giòng sông đi cho nước nói ngàn ngày
Bằng biển rộng không bến bờ em ạ

Rồi Bùi Giáng tiếp nối cuộc rong chơi. Trái tim ông cũng rất “lăng loàn” khởi phát từ bản chất đa tình nghệ sĩ. Đa tình nhưng lại không đa lụy vì ông vẫn mãi sống một cuộc đời độc thân rong ruổi. Nhưng ông vẫn sống miên man trong cái đẹp thác ngàn của Thúy Kiều, của Kim Cương, của Marilyn Monroe, của Brigitte Bardot, của cô Mọi Nhỏ bên rừng Phi Châu... Nàng thơ, nàng Ly Tao trong thơ Bùi Giáng thường có một vẻ rờn rợn liêu trai, toàn là cõi mộng, cõi tưởng, cõi vi vu đầy mê hoặc:

Em đã lại với đời về nắng ấm
Thắm không gian thương nhớ bóng hình em
Anh đã đợi chờ em từ lâu lắm
Ngày đi không để lại lạnh trăng rằm

Em có nụ cười buồn buồn môi mọng
Em có làn mi khép lá cây rung
Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng
Hồ gương ơi! Sao sóng lục vô chừng

Em ở lại với đời ta em nhé
Em đừng đi. Cho ta nắm tay em
Ta muốn nói bằng thơ bay nhẹ nhẹ
Vào trong mơ em mộng giấc êm đềm

Từ tập thơ đầu, Mưa Nguồn, đến những tập thơ sau như Lá Hoa Cồn, Mùa Thu Thi Ca, Ngày Tháng Ngao Du, Sương Bình Nguyên, Trăng Châu Thổ... là cả một đoạn đường dài rong chơi, đùa cợt, cù cưa bất tận của Bùi Giáng với ngôn ngữ thi ca. Đến Đêm Ngắm Trăng với 227 bài thơ, phần lớn là lục bát, sau cùng trong cuộc rong chơi của Bùi Giáng thì rõ ràng Lão Thi Sĩ đang “nói lục bát” một cách tự nhiên, dễ dàng, khề khà, “tồn hoạt chịu chơi” như những ông già đang ngồi vuốt râu nhâm nhi vài xị đế. Ông nói về “dzách” (thùng cù lũ?):

Nỗi buồn nỗi khổ đời xưa
Nỗi sung sướng đến móc mưa bất ngờ
Đời xưa đất đá cằn khô
Đời này đất đá đều đờ đẫn điên

Điên duỗi dọc, điên ngửa nghiêng
Điên là hạnh phúc thần tiên ở đời
Điên rồi rốt cuộc hỡi ôi
Cũng đành chấm dứt lìa đời hết điên
(Dzách. Đêm Ngắm Trăng, tr139)

Càng điên điên ông càng “chịu chơi” tới cái mức “thần thông du hí”. Đã có hơn một đầu óc uyên bác đem cái lý thuyết biểu tượng, tinh thể và phá chấp ra để xào nấu những vần thơ sau đây. Nhưng riêng tôi thì lý thuyết nào cũng không thể áp dụng vừa vặn vào đây bằng lý thuyết “chịu chơi!”:

Ông gieo vần điệu dã man
Tờ điên hoa giậy lang thang lên mùa
Ông buồn- quýt ngọt chanh chua?
Còn cam còn bưởi còn xoài riêng đâu?

Ông tìm kiếm suốt hương màu
Thời gian tinh thể đi đâu mất rồi
Ông ngồi suốt những canh thâu
Nêu từng nghi vấn trình tâu với người

Nguời từ vô tận chịu chơi
Thần thông du hý chốn nơi nào là
(Con vui vô tận. ĐNT, tr 145)

Thật ra thì ngay giữa cuộc hồng trần nầy, Bùi Giáng sống cùng tận trong cái mơ mơ, màng màng thuần lý mang tính “đồng nam hiển thánh” (chữ của ĐS); nhưng chưa đến mức dám bức phá những hàng rào trói buộc hay những quy ước rất thường tình của con người trong cái hệ lụy nhân sinh:

Anh uống rượu tới mê man khôn dọ
Duỗi tay chân tại tâm điểm bụi đời
Chiêm bao về ứng mộng giữa tuyệt vời
Quần phong nhụy bất thình lình giũ trút

Ôi mật ngọt ôi thiên đường bất chợt
Hiện huy hoàng hiện thể suốt tâm linh
Anh chào em từ ảo mộng một mình
Và dám chắc nhận nhìn rằng: anh hổng dám

...Anh bình tĩnh thưa rằng: anh hổng dám!
Hổng dám đâu! Đâu hổng dám là đâu...
(Hổng dám đâu. ĐNT, tr 149)

Càng đọc thơ Bùi Giáng, tôi càng cảm thấy muốn khóc khi ông cười; và muốn ôm bụng cười khi ông khóc... có lẽ vì tôi chưa có một tí ti “chất nghệ sĩ Bùi Giáng” nào trong mình. Đọc bài thơ tự trào hết sức độc đáo và lạ lẫm của ông, tôi cứ ước chi mình có được một phần trăm cái “điên”và một phần mười cái “ngu sy” của Bùi Giáng để có thể có chút nào đồng cảm với ông chăng:

Cuộc đời tẻ nhạt hôm qua
Tới hôm nay nữa gọi là hôm mai
Ba hôm cả thảy than dài
Thấy thằng bùi giáng đêm ngày ngu sy

Tháng tròn năm méo tý ty
Tồn sinh lả tả từ ly cuộc đời
Nó về tồn hoạt chịu chơi
Nó đi suốt cõi chơi vơi hồng trần

Nó từ vô tận mông lung
Nó đi suốt kiếp trùng phùng thiên thai
Giữa đêm thở vắn than dài
Khóc hu hu nó khóc hoài trăm năm
(Hôm Hôm. ĐNT, tr 150)

Đến đây tưởng cũng nên làm sáng tỏ tại sao sẽ có rất nhiều người mơ ước có được một phần cái “ngu sy” của Bùi Giáng. Tôi xin được liệt kê lại một phần cuộc rong chơi của Bùi Giáng qua những tác phẩm đã được xuất bản của ông. Ngoài ra, tôi cũng như nhiều người có thể tin; mà cũng có thể không tin, những điều do người khác đã viết trên giấy trắng mực đen rằng, Bùi Giáng đã từng viết ra cả ngàn câu thơ trong một đêm...

Sự rong chơi của Bùi Giáng trong ngôn ngữ và giữa cuộc đời vừa thâm trầm, vừa vui nhộn, vừa “bi... khoái” là vì ông không dè dặt, giữ gìn mà cố tình buông thả đi về lẫn lộn giữa những câu thơ khóc cười đầy uyên bác, trang đài, cổ kính xen với những từ, những câu đầy ngôn từ dân giã, bụi đời có khi đến mức giang hồ ngỗ ngáo, trần trụi. Vừa nói đến tâm sự mình một cách quý phái:

Hồn du mục cỏ hoa mòn mõi
Rừng đêm xanh trăng tạ không lời
Vì hơi thở cũng sầu như lá úa
Rớt lưng đèo bối rối lách theo lau

... ông “chuyển hệ” mượn lời người khác nói về cái điên của mình một cách thống khoái đầy “sáu Giáng”:

Vợ chồng tôi lúc nào cũng nhớ anh
Anh điên mà dzui – dzẻ thập thành
Chúng tôi tỉnh táo mà đành buồn hiu

Sự đùa bỡn với ngôn ngữ thi ca bằng cách sử dụng kiểu nói lái tinh quái của quê hương ông nhiều khi thô thiển một cách cụ thể chứ không bóng bẩy kiểu Hồ Xuân Hương. Người đọc rất thường gặp trong sách ông những cụm từ như: tồn lưu, tồn liên, liên tồn, lưu tồn, tồn lí tí ngọ, tồn lập tập trung, tồn lập tập họp... để đùa nghịch với triết học, nghịch với thi ca, nghịch với cuộc đời và nghịch ngay với chính bản thân ông:

Lọt cồn trận gió đi hoang
Tồn liên ở lại xin làn dồn ra...
(Mưa Nguồn)

Thời kỳ ông được coi là điên nặng nhất với lối sống kỳ dị thì cũng là lúc ông bơi trong “đại dương thi ca” để cho ra đời tập thơ Bài Ca Quần Đảo. Bùi Giáng làm thơ dễ dàng đến độ nhà văn Huỳnh Ngọc Chiến phải kêu lên rằng, “Đôi lúc chúng tôi có cảm tưởng rằng ông có thể đọc ngẫu hứng thơ lục bát từ sáng đến chiều mà không vấp... Ông làm thơ bằng tiếng Việt, tiếng Hán, thỉnh thoảng bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngôn ngữ đã nhập điệu trong ông như cây đàn trong tay người nghệ sĩ kiệt xuất. Chỉ ấn tay là thành giai điệu. Tự nhiên như nước chảy, mây bay mà chẳng có chút dụng công nào. (Thời Văn 19, tr 66)

Cuối cùng của cuộc rong chơi, Bùi Giáng đã lặng lẽ bỏ mùa xuân của trần gian đi về cõi miên trường phía sau:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

...và bỏ tất cả lại cho đời:
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngữa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con

Một buổi tối thứ Tư trên xứ Mỹ, tôi đang ngon trớn rong chơi với vườn thơ “tập cười” qua câu chuyện sinh điếu của cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy thì nhận được I-meo của Tà Thư báo tin Bùi Giáng vừa qua đời chiều hôm qua (7-10-98) tại Việt Nam. Tôi bỗng chững lại, quên hết chuyện cười, nhìn xuống thật buồn và cảm thấy một thoáng trống vắng. Những mệ, những ôn, những hoàng thân, tôn nữ một thời của Huế lần lượt vắng bóng, mang theo cái "tửng tửng" truyền đời như tiếng chèo đập nước trên sông lụi tàn sau tiếng máy dầu xình xịch.

Và, con mắt trần gian cuối cùng đó giờ cũng đã vĩnh viễn khép lại.

Sáng hôm sau, tôi bâng khuâng kêu một người bạn thân báo tin Bùi Giàng đã ra đi và tự nhiên đọc cho người bạn đó nghe hai câu thơ của Bùi Giáng đã làm tôi xúc động miên man trong những tháng ngày viết lách đùa nghịch với bạn bè:

Ta cứ ngỡ đùa vui trong chốc lát
Nào ngờ đâu đùa mãi đến điêu linh

Phía bên kia đầu dây, người bạn cũng lặng im đến nỗi tôi nghe cả tiếng sôi mơ hồ trong đường dây điện thoại. Trong một thoáng phù du đó, tôi biết là người bạn cũng đang rơm rớm nước mắt như tôi. Trên quê hương yêu dấu cái tửng tửng của Quảng đã gặp cái tửng tửng của Huế. Nơi quê người, nếu không không có cái tửng tửng mang theo, tiếng nói yêu thương của ngày xưa quê mẹ cũng sẽ chìm dần trong cổ tích.

TKĐ
________________________________________

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2007

KTC lên internet!

Chúc mừng KTC có văn phòng giao dịch mới trên mạng internet: www.ktcvn.com.vn

KTC là khách hàng chiến lược của Metinfo kể từ 2002. Metinfo cũng là nhà cung cấp hình ảnh cho website KTC.

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2007

Chúc mừng Green Taxi!

Như đã nhắc đến trong bài viết “Chúc mừng sanh nhiều con”, hôm nay Cần Thơ có thêm một thương hiệu taxi mới Green Taxi qua tổng đài (071) 739739.

Đáng chú ý là hình thức mời dự khai trương của Green Taxi làm cho ít người vắng mặt: Kèm theo 2 vé taxi để đến dự và ra về. Có lẽ nhiều người đều muốn “đi thử xem sao”!


Chúc mừng Green Taxi thành công và phát triển!


_

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2007

Trang phục thổ địa

Không kịp “may đồ”! Mà mua thì… mắc quá (một “cái áo” nhập bèo nhất cũng đến $4.500!) Nên tạm thời thổ địa “ăn mặc” như thế này đây

Chiều ngày 15.11, Ban Giám đốc Sở Du lịch TP. Cần Thơ đã đến kiểm tra và… rất hài lòng! Bây giờ chỉ còn tập trung cho việc họp báo và chính thức công bố sản phẩm.




Ông Đinh Viết Khanh, GĐ Sở Du lịch TP. Cần Thơ
đang dùng thử Citinfo Cần Thơ




_

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2007

Giao diện Citinfo Cần Thơ



Một vài giao diện bên trong Citinfo Cần Thơ



Trang chủ phần tiếng Pháp




Một thoáng Cần Thơ



12 nhóm thông tin đầu tiên



Trang tìm khách sạn theo đường phố



Tìm phương tiện vận chuyển



Trang bản đồ tuyến du lịch Cần Thơ



Làng đan lọp Thới Long



Oóc-om-bok



Cháo cá lóc rau đắng tại trang ẩm thực



e-Brochure của Vườn Táo



Khu du lịch Phù Sa


Trang giới thiệu Làng du lịch Mỹ Khánh


Tuyến xe buýt


_

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2007

Thổ địa thời kỹ thuật số

Ngay sau khi việc thử nghiệm hoàn thành, chúng tôi nhận được email phỏng vấn của Thời báo Vi tính, bài viết này thay cho một phần email trả lời.

Tất cả bắt đầu từ gợi ý từ giữa năm 2006 của Sở Du lịch thành phố Cần Thơ về việc Metinfo cần có một sản phẩm đặc biệt phục vụ Năm du lịch quốc gia Mêkông – Cần Thơ 2008. Một bản tin du lịch Cần Thơ hấp dẫn, trực tuyến và đa ngữ, một thổ địa điện tử là lựa chọn của chúng tôi.
Nhận thấy việc tạo thuận lợi và sự thân thiện trong giao dịch với du khách là một yêu cầu ngày càng cao trong môi trường kinh doanh hiện đại hay trong các giao dịch dân sự của một xã hội văn minh. Metinfo xây dựng và phát triển
“Giải pháp Kiosk tra cứu thông tin thành phố” gọi tắt theo tiếng Anh là CITINFO (City information) nhằm mục đích đem đến cho người sử dụng một cách thức giao dịch, tra cứu thông tin dễ dàng, thuận lợi và thân thiện.

Giới thiệu Metinfo
Công ty TNHH Thông tin Lữ hành Mekong - Metinfo là một công ty quảng cáo chuyên về du lịch. Phương tiện quảng cáo đồng thời cũng là sản phẩm của chúng tôi: ấn phẩm (bản đồ, guidebook, postcard…), website du lịch và các sản phẩm multimedia.

Metinfo có hơn 5 năm kinh nghiệm về lĩnh vực cung ứng thông tin lữ hành. Chúng tôi có một lượng dữ liệu tập hợp nhiều năm. Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc tập hợp, phân phối dữ liệu của chúng tôi hoàn toàn đủ để đáp ứng yêu cầu của việc số hóa thông tin cho “Giải pháp Kiosk tra cứu thông tin” mà ngành du lịch Cần Thơ yêu cầu.

Metinfo còn là hội viên của Hiệp hội Du lịch TP. Cần Thơ và Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Cần Thơ.

Giới thiệu CITINFO

CITINFO nhắm đến việc xây dựng một hệ thống Kiosk tra cứu thông tin du lịch tại ĐBSCL mà Cần Thơ là nơi xuất phát. Bảo đảm có thể đáp ứng được nhu cầu truy cập thông tin thân thiện đối với tất cả mọi người.

Mục tiêu của Citinfo:
  • Áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực du lịch, đưa ĐBSCL nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng lên một tầm cao mới trong việc quảng bá thông tin (du lịch và mua sắm), hình ảnh vùng châu thổ đến với du khách trong và ngoài nước
  • Tiến đến việc phổ biến mô hình này trong phạm vi đồng bằng sông Cửu Long.
Hoạt động của mô hình CITINFO bao gồm

  • Cung cấp Kiosk cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có nhu cầu phục vụ công chúng
  • Quảng cáo bằng phần mềm viết riêng trong Kiosk hoặc trên thân Kiosk và trên trang nội dung của phần mềm thông tin cho các doanh nghiệp.
  • Phát triển các dịch vụ tăng thêm cho khách hàng tại Kiosk khi có yêu cầu như: tìm kiếm thông tin, tra cứu những dữ liệu liên quan đến du lịch và mua sắm tại TP. Cần Thơ và ĐBSCL.
  • Cho thuê Kiosk dành cho hội thảo chuyên đề hoặc triển lãm.

GIẢI PHÁP CITINFO

Phần cứng có cấu hình chung:

  • Màn hình cảm ứng có nhiều loại thích hợp cho các môi trường khác nhau (trong nhà, ngoài trời…) người sử dụng có thể thao tác trực tiếp bằng ngón tay. Màn hình cảm ứng có thể là màn hình CRT (Cathode Ray Tube) hoặc LCD (Liquid Crystal Display). Tất cả đều cho phép chống ẩm, chống trầy, chống bám dính…
  • Kiosk có mẫu thích hợp theo yêu cầu người mua.
  • Máy tính chuyên dụng cho Kiosk.

Các thành phần trong tương lai có thể tích hợp mở rộng:

  • Hệ thống tai nghe điện thoại (Voice IP).
  • Hệ thống in ấn.
  • Hệ thống âm thanh, hình ảnh (Multimedia).
  • Hệ thống nhận dạng, kiểm soát thẻ (barcode, mã vạch, RFID,…)

Phần mềm ứng dụng

CITINFO phát triển dựa trên kỹ thuật web và multimedia, đem đến cho người sử dụng một cách thức truy xuất thông tin, thực hiện giao dịch (khi nhu cầu giao dịch qua mạng phát triển) rất dễ dàng: chỉ dùng ngón tay để trỏ vào các biểu tượng trên màn hình.

Cập nhật và bảo mật

  • Tất cả Kiosk đưa ra thị trường đều được định danh, có thể tìm thấy dễ dàng qua mạng internet để bảo trì, cập nhật tự động và bảo mật.
  • Dù trong nhà hoặc ngoài trời, hệ thống Kiosk đều được cập nhật từ xa hàng tuần trong 2 tháng đầu tiên và hàng ngày sau đó thông qua mạng internet. Ở những vùng không có internet sẽ sử dụng thẻ kết nối qua cổng USB của các công ty điện thoại (tính theo công nghệ đang có tại Việt Nam, và sẽ thay đổi khi có điều kiện phù hợp)
  • Toàn bộ dữ liệu Kiosk sẽ được bảo đảm an toàn bằng cách áp dụng nhiều kỹ thuật bảo mật luôn được cập nhật.

Nhận định tiềm năng

Trong tương lai không xa, việc đặt tour du lịch, đăng ký phòng, mua vé máy bay, tàu… hoặc các nhu cầu mua sắm trực tuyến có thể thực hiện dễ dàng ngay tại một góc phố, một bến đợi. Vì vậy, CITINFO là một hệ thống ngoài việc kinh doanh còn mang một giá trị công ích, mang lại lợi ích cho người dân thành phố, cho lĩnh vực du lịch và đặc biệt là góp phần xây dựng một Cần Thơ và ĐBSCL văn minh, hiện đại.

Kỳ vọng của những người thực hiện mô hình này là quảng bá Cần Thơ và ĐBSCL. Giúp tất cả các du khách hiểu thêm về truyền thống, quá khứ hào hùng, tinh thần dân tộc, phong cảnh nên thơ, hữu tình và các móm ăn đậm đà giàu tính văn hoá. Giúp các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú rảnh tay việc quảng bá mà tập trung chuyện kinh doanh.


_

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2007

Cập bến!

Entry này bị rớt liên tục vì đường truyền quá tệ khi chúng tôi cố gắng cập nhật hình ảnh, không biết một nút cổ chai ở đâu đó đã làm cho blogger.com trở nên khó đăng nhập từ Việt Nam trong mấy ngày qua. Mong các bạn thông cảm.



Mấy hôm nay không riêng Mblog bị "bỏ bê" mà nhiều công việc khác của METINFO cũng sao nhãng vì cả công ty tập trung vào việc… đỡ đẻ! Một đứa con mà từ lúc thai ngén đến khi hoàn thành là 18 tháng ròng rã vừa kiếm sống hàng ngày vừa tính chuyện tương lai. 9g30 sáng 11.11.2007 chúng tôi hân hạnh thông báo trạm tra cứu thông tin bằng màn hình cảm ứng (magic screen touch kiosk) đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành!

Bỏ lại sau lưng những ngày viết mã lệnh, sắp đặt thông tin, xử lý hình ảnh, tranh cãi ầm ĩ về giải pháp. Một công việc mà chúng tôi trước đó hoàn toàn không có khái niệm gì cho đến khi bắt tay vào thực hiện ngoài một ý tưởng và một niềm tin là sẽ làm được: "Chúng tôi sẽ mang thông tin (chỉ dẫn du lịch – mua sắm) của đồng bằng đặt ngay dưới ngón tay của quý vị!"

Còn rất nhiều khó khăn chờ đợi chúng tôi phía trước trong quá trình đưa kiosk này đi vào cuộc sống nhưng khi cùng chúng tôi chứng kiến giây phút hoàn thành và cũng là người đầu tiên sử dụng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Công Khả đã nói: "Cái này quá mới, nó có giá trị ở chỗ làm nâng cao cuộc sống!" Sản phẩm này có giá trị hay không thì còn chờ thị trường lên tiếng nhưng chắc chắn lời động viên của TCK là rất có giá trị đối với chúng tôi lúc này

Đứa con "chữa trâu" này vẫn chưa có một cái tên! Và còn rất nhiều câu chuyện liên quan mà chúng tôi sẽ kể tiếp tại đây. Đặc biệt là về những người quan tâm đã khuyến khích, góp ý và giúp đỡ chúng tôi suốt 18 tháng qua mà nếu không có họ thì chúng tôi cũng không cập bến được.


_

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2007

Caride

Chúng tôi có cùng một tín ngưỡng.

Caride, tức là cari dê.

Lãnh lương xong, lập tức chạy đi rủ thằng bạn chí cốt, lâu rồi không có đi ăn chung. Nghe đến "Cari dê" nó giật nãy mình, môi run run xúc động muốn phát khóc. Hai thằng chạy thẳng đến Thanh Thúy.

Thanh Thúy là một quán ăn chuyên phục vụ các món ăn dê với 2 món nổi tiếng là cari và lẩu dê, ngoài ra còn có dê hấp gừng, vú dê nướng, ngọc dương hầm thuốc bắc.

Mặc dù dê là món chính, nhưng Thanh Thúy vẫn phục vụ các loại thịt khác như: bò, ếch, cá...

Chúng tôi ăn cari dê ở đây đã ba năm rồi, đến bây giờ vẫn chưa chán.

Một dĩa cari dê vào thời điểm này có giá 60.000 một phần, thích hợp cho 2 đến 3 người ăn. Bạn có thể chọn thịt dê, thịt không da, mỡ, sườn dê. Thường thì quán sẽ để đủ thứ. Cari dê còn có khoai môn (còn gọi là khoai cau) hoặc khoai tây, tôi thường chọn khoai tây, thằng bạn tôi thích khoai môn. Nên chúng tôi quy ước, thằng nào trả tiền được quyền chọn loại khoai mình thích. Hôm nay tôi trả, nên trong hình, thứ bạn thấy là khoai tây.

Thức ăn được đem ra rất nhanh, thường thì chỉ khoảng 10 phút là bạn có thể ăn.

Mẹo:

- Vì nước hơi ít và rút rất nhanh, nên để tránh tranh chấp, khi còn khoảng một nửa nước cari bạn không xài lò nữa để tránh nước rút (quán không cho xin thêm nước).

- Bạn nên múc nước cari vào chén để chấm bánh mì chứ đừng chấm trực tiếp lên dĩa vì như vậy sẽ làm dĩa cari bớt hấp dẫn và gây cảm giác í ẹ cho đối phương (người ăn chung với bạn).

- Cari hơi cay so với những nơi khác nên bạn hãy dặn chủ quán làm vừa khẩu vị của mình.

- Cari dê hợp với bia và nước ngọt, đừng uống rượu.

Bạn tôi

Chờ cô ấy đến

đây rùi, sexy wá. hix hix.

Caride nhìn từ trên cao

One step closer

Caride = khoai tây (hoặc môn) + rau thơm + dê + hành tây + đậu phộng


Thịt mềm và ngọt, không cảm thấy mùi hôi của dê.



Một điều đáng tiếc xảy ra, chiếc điện thoại của tôi hết pin nên không thể chụp bức ảnh cuối cùng khi chúng tôi kết thúc cuộc chiến.

Đó là một bãi chiến trường đầy rẫy xác bánh mì nằm khắp nơi trên bàn ăn. dĩa cari hoàn toàn bốc hơi.

Chúng tôi gọi thêm 2 ly cam vắt, hút một hơi đến khi nghe rột rột.

Cười toe toét ra về.



---------------

Địa chỉ Thanh Thúy: Nhà số 91/41 cuối đường 30/4, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Mai Hải Đăng

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2007

Chuyện bản quyền

Nghệ sĩ Trương Công Khả “đau khổ” khi phát hiện đi mua hình ảnh của mình rẻ hơn là tự đi chụp! Không hiểu ở đâu mà bưu ảnh (của TCK nhưng không ký tên ai) bán đầy ở bưu điện Cần Thơ, chễm chệ trên vách một công ty lữ hành và trên các ấn phẩm nhiều doanh nghiệp khác. Chưa tính đến việc TCK thường xuyên nhận điện thoại… xin ảnh!

Hình như mua bản quyền là một cái gì đó quá “lạnh lùng”, thiếu… tình cảm. Ít người nghĩ rằng việc trả tiền để có quyền dùng tác phẩm của người khác sẽ giúp cho uy tín doanh nghiệp tăng lên và xã hội sẽ có thêm nhiều tác phẩm giá trị vì nghệ sĩ cảm thấy sự trân trọng dành cho mình.

Gần đây, hợp đồng thiết kế mỹ thuật của METINFO đã xuất hiện điều khoản bảo đảm hình ảnh và nội dung do bất cứ bên nào đưa ra đều phải hợp lệ, hợp pháp. Thông thường thì METINFO là người chịu trách nhiệm chính trong những giao kết này. Chuyện đơn giản và (lẽ ra) được xem như hiển nhiên này lại là cả một quá trình dài thương lượng, giải thích. Bên cạnh đó, số khách hàng chủ động đặt rõ vấn đề bản quyền cũng tăng dần.

Trong nhiều “bất ngờ thú vị” chờ đợi các doanh nghiệp sắp tới của quá trình hội nhập thì chuyện quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là “bất ngờ” khó tránh. Còn nhớ năm xưa báo Tuổi Trẻ đưa tin tại Thái Lan, Microsoft đăng áp phích có hình ảnh một giám đốc tra tay vào còng vì doanh nghiệp dùng phần mềm lậu.

Không chỉ việc tôn trọng người khác, doanh nghiệp còn phải biết bảo vệ chính mình. Bảo vệ nhãn hiệu, mẫu mã, quyền sở hữu… của doanh nghiệp.

Nhằm giúp quý khách hàng có thông tin đầy đủ về chuyện nhạy cảm trên, Mblog xin giới thiệu những trang web có ích:

Điều kiện bảo hộ quyền tác giả

___________
Đọc thêm:

_

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2007

Tìm gì ở du lịch Miền Tây Nam Bộ?


Nguyên Ngọc

Tại hội thảo Xóa đói giảm nghèo với du lịch cộng đồng (do Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch và UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức tại Vĩnh Long ngày 26-10-2007) nhà văn Nguyên Ngọc có bài tham luận mà báo Tuổi Trẻ đã trích đăng dưới tiêu đề: “Du lịch bao giờ cũng là văn hóa”. Được phép của nhà văn, Mblog đăng nguyên văn dưới đây:


Trước hết xin cho tôi được nói đôi kỷ niệm nhỏ và mấy cảm nghĩ. Tôi rất yêu vùng đất Nam Bộ, đặc biệt Miền Tây, theo tôi là một trong những xứ đất và người kỳ thú nhất ở nước ta. Có một thời gian gặp khó khăn trong đời sống và công việc, tôi đã lang thang dưới này mấy năm và có một số bạn đã trở thành thân thiết, hồi ấy các bạn trẻ thường đùa bảo tôi “nếu chú cần “cư trú chính trị” thì cứ vô đây bọn cháu nuôi”. Miền Tây đương nhiên cũng như mọi miền đất khác, là thiên nhiên và con người, và thiên nhiên cùng con người ở đây thì quả thật rất độc đáo, con người hồn hậu mà mạnh mẽ và phóng khoáng như thiên nhiên, tự do và nghệ sĩ tận trong đáy tâm hồn. Hình như trên thế giới các vùng miền nam đều vậy, miền nam nước Pháp, ai từng đọc Tartarin de Tarascon của Anphonse Daudet đều biết, lãng tử, phiêu lưu, tự do, hơi khoát lác rất đáng yêu kiểu bác Ba Phi. Miền nam của châu Mỹ cũng vậy, với Cuba, Brasil, Chilê … thật lạ, hiện đại mà cổ xưa, tự do và phóng đạt, hoành tráng và nồng cháy. Các vùng cực nam càng đặc biệt. Miền Tây là cực nam của đất nước, của Nam Bộ. Tôi có biết một câu ca dao hẳn do một anh chàng lãng tử Miền Tây nào đó cao hứng ứng tác để tự nói về chính mình: “Ra đường thấy vịt cũng lùa, thấy duyên cũng bén, thấy chùa cũng tu!”. Có lẽ đấy chính là tâm hồn con người Miền Tây. Ở miền Bắc chặt chẽ nề nếp, ở miền Trung cần cù và khắc nghiệt chắc chắn không thể có thế, chỉ Nam Bộ, chỉ Miền Tây mới được vậy. Hồn nhiên và tự do đến thế là cùng, gặp chùa ta ghé vào tu cái chơi, rồi vừa từ chùa bước ra, đầu chưa kịp chớm tóc, đụng duyên liền cứ bén bừa, tội gì để uổng của đời, còn vịt của ai đó giữa đường thì cứ coi là vịt của đất trời, tiện tay lùa luôn có sao đâu! … Tôi nhớ những chuyến đi về Rạch Gốc, ngày ấy tàu đò từ Năm Căn xuôi rạch Gốc lang thang mất hơn nửa ngày đường, thiên nhiên hoang sơ và nguyên vẹn, con người thì, theo con mắt kinh ngạc của tôi, kết hợp một cách lạ lùng giữa văn minh và hoang dã, một sự kết hợp thật tài tình, hài hoà, mà dễ dàng, tự nhiên như không. Tôi cũng từng lang thang hơn nửa tháng trời trên gần trăm hòn đảo có người và không người của huyện đảo Kiên Hải, nơi còn dày đặc dấu vết cuộc đào tẩu của Gia Long trên con đường theo đuổi sự nghiệp thống nhất quốc gia khó nhọc của ông, dẫn theo không biết mấy bà phi và không ít bà đã bỏ mình lại giữa chốn biển khơi này, nay còn rải rác những miếu thờ trên một số hoang đảo ấy. Không biết bây giờ ở đấy có ai là hậu duệ của các bà phi ấy không mà, ai từng đến đấy đều có thể nhận ra ngay, con gái “hòn” (ở đấy người ta gọi đảo là “hòn”) rất đẹp! … Thôi, tôi đành phải dừng lại thôi, kỷ niệm cứ ùa về, tràn đầy… Tôi yêu và mê Miền Tây như vậy, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện viết về miền đất và người ở đấy, trừ đôi bút ký nhỏ và rụt rè, bởi tôi biết tôi sẽ không bao giờ có thể nắm bắt được cho thật đúng cái hơi thở nồng đậm có một không hai, không bao giờ nói được cho thấu về đất đai, sông nước và con người ở đây, từ hình dáng, tâm tình, suy nghĩ, tính cách … cho đến ngôn ngữ giàu có đến kỳ lạ của họ. Không bao giờ tôi có được khả năng phả vào trang văn của mình một “hương rừng Cà Mau”, không bao giờ theo được Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Ngô Khắc Tài…, và đặc biệt phát hiện quan trọng của văn học ta mấy năm nay: Nguyễn Ngọc Tư. Nhân đây tôi muốn nói qua đôi chút về tác phẩm đặc sắc “Cánh đồng bất tận” của cô gái đầy tài năng bất ngờ này. Tôi nghĩ, nếu đem văn học ta ra “nói chuyện” với thế giới bây giờ, thì với “Cánh đồng bất tận” ta chẳng phải sợ bất cứ ai hết, thật vậy đấy. Theo tôi, “Cánh đồng bất tận” là tác phẩm rất quan trọng để hiểu Miền Tây (tất nhiên không phải chỉ hiểu Miền Tây, mà hiểu con người và cuộc đời; nhưng ở đây là ta đang nói chuyện Miền Tây). Nó cho thấy rằng trong những con người trông chừng rất lầm lũi, đến mức gần như hoàn toàn hoang dã, hoang dại ấy, lại chất chứa cả một thế giới đời sống nội tâm sâu thẳm, phong phú, phức tạp và đẹp đẽ biết dường nào, đẹp đẽ hiểu theo nghĩa là con người với tất cả những hạnh phúc và đau khổ, ước vọng cùng tình yêu thống thiết, thâm trầm và đau khổ đến xé nát kiếp người, thậm chí cả mấy kiếp người nối tiếp, hỷ nộ ái ố, yêu thương và căm hận, khoan dung và trả thù, hiền hoà và dữ dội, thiện và ác, chẳng thiếu chút gì và đều đến cùng cực, vô cùng con người, vô cùng “nhân loại”, vô cùng phức tạp (cuộc đời này vốn đẹp chính vì nó rất phức tạp. Một cuộc đời đơn giản, vô sự, thì thật nhạt thách, chán phèo!), chẳng hề thua kém về độ “người” so với con người ở bất cứ đất nước hiện đại và văn minh nào. Đây là một tác phẩm đậm đặc tính nhân bản. Và nó bộc lộ tính chất nhân bản sâu xa của một vùng đất xa xôi tít tắp và hoang vắng mà lâu nay ta thường chỉ lấy làm thích vì trông nó có vẻ rất lạ, thậm chí rất thô sơ, thô thiển, “lạc hậu”. Vậy đó, cũng không ít đâu những người quan niệm và chủ trương lấy chính cái “lạc hậu”, cái hoang dại của một số vùng đất và người làm “hàng độc” để câu khách du lịch. Càng cố tình đẩy cái thô thiển, lạc hậu ấy lên thì càng tạo ra được hàng độc, càng đắt giá... Tôi nghĩ rằng điều này có liên quan chặt chẽ và rất quan trọng đối với đề tài ta đang định bàn hôm nay. Vậy xin thử góp đôi ý kiến lạm bàn, để thử cùng suy nghĩ.

*

* *

Tôi không phải là chuyên gia về miền Tây, song do yêu mến vùng đất và người nơi này nên cũng thường suy nghĩ về một số vấn đề ở đây. Tôi chú ý đến hai vấn đề, quan tâm và trằn trọc, trước hết là để cố thử tự lý giải cho chính mình.

Một là: những ai từng đến miền đất này trước đây mươi, mươi lăm năm chắc không thể không nhận thấy và ít nhiều có một băn khoăn, thậm chí lo lắng và ray rứt: Miền Tây ngày nay, đương nhiên cũng như mọi miền đất khác của nước ta, tất phải hiện đại hoá và trong thực tế đang hiện đại hoá rất nhanh. Hiện đại hoá có phá vỡ, đến làm biến mất đi những nét độc đáo vẫn được coi là “đặc sản” độc nhất vô nhị của thiên nhiên cùng con người, và từ đó cả văn hóa của Miền Tây không? Gần đây tôi có trở về Năm Căn, Kinh Năm, Rạch Gốc, cả bên phía Sông Đốc, Đầm Cùng, Đá Bạc… Không còn những chiếc tàu đò nặng nề mà thú vị rời bến Cà Mau tờ mờ sáng, ì ạch tối mịt mới về tới Năm Căn, lại gần một ngày nữa lang thang hết sống lớn đến kinh, đến rạch, đến tắc, đến vàm kín bưng những đước cùng mắm và chằng chịt như mạng nhện, mới tới Rạch Gốc. Bây giờ thì hết rồi, toàn ca nô cao tốc và tàu cánh ngầm, hùng hổ phóng như điên, hỗn hào đánh giạt những chiếc võ lãi ngày trước thơ mộng là thế, nay không thật khéo tay là bị lật nhào chìm ngĩm ngay. Và các bờ kinh thì bị sóng ca nô đánh cho lỡ lói tan tành, nham nhở, hai bờ kinh như hai dãy vết thương rớm máu bùn đen, nhà hai bên kinh đổ nhào cả xuống sông, may lắm còn lại được một bức tường hay vài cây cột trơ trụi. Còn rừng thì năm này qua năm khác, năm nào cũng bị phá và bị cháy, Đồng Tháp Mười rồi U Minh, hết tràm đến đước, sự tàn rụi của một vùng rừng ngập mặn và ngập nước vào loại quý nhất trên trái đất coi như cầm chắc rồi… Cái hiện đại đang đánh tả tơi cái trong trắng, hoang sơ và thơ mộng hôm qua một cách không thương tiếc. Quả thật có một mâu thuẫn, cũng có thể gọi là một thách thức không nhỏ, không dễ, hăm hở, ồ ạt và dữ dằn giữa cái đi tới gấp gáp và cái biến đi từng ngày, cái được ồn ào của hôm nay và cái êm lặng trầm tĩnh của hôm qua - mà nghịch lý thay, cũng lại là của ngay mai, biết đâu đấy, bởi đến một lúc thật giàu lên rồi, quay nhìn lại thì có tiếc đến đứt ruột và dẫu có ngàn vàng cũng không mua lại được. Nhưng chẳng lẽ dừng lại mãi trong nổi tiếc nuối hoài cổ? … Cũng chính Nguyên Ngọc Tư đã có một tạp bút rất hay nói về điều này, liên quan trực tiếp đến chính câu chuyện du lịch chúng ta đang bàn đây: ấy là chuyện một ông già ở cuối Xóm Mũi Năm Căn giận dữ phản ứng với các chú làm du lịch cứ muốn buộc ông cứ phải sống mãi trong cái chòi rách nát trống trơ của ông ở nơi cùng trời cuối đất ấy … để cho họ làm du lịch, có thế thì mới là “độc đáo”, mới là của lạ trong mắt khách du lịch, để cho khách đến ngắm xem và trầm trồ, nhất là khách Hà Nội, khách Tàu, khách Tây, mới là “sản phẩm du lịch đắt giá”, mới là “hàng độc” của xứ lạ, lia lịa chụp ảnh, quay phim mang về làm kỷ niệm và khoe với bạn bè ở Hà Nội hay ở bên Tây, bên Tàu. Ông già ấy mà cải thiện được đời sống, xây được một cái nhà đàng hoàng thì còn gì là “độc đáo Đất Mũi” kỳ lạ và hấp dẫn nữa! Người ta bỏ tiền ra là để mua cái cảnh nghèo xác xơ đến chừng man dã kia cơ! Ngành du lịch thì quyết giữ sao cho ông già thật lạc hậu, con ông già thì giận dữ đòi cũng phải trở nên người văn minh như ai… Vậy đó, có một xung đột thật sự, và xung đột đó thường diễn ra nhất chính là trong các vấn đề không dễ lý giải của ngành du lịch! Câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư chỉ là một ví dụ, nhưng là ví dụ khá điển hình. Nó đặt một câu hỏi vậy mà thật lớn và không dễ chút nào. Tôi không được biết ngành du lịch đã và đang nghĩ gì về chuyện này. Vừa rồi tôi có đi Tây Nguyên và thấy ở Tây Nguyên cũng đang có những vấn đề tương tự. Cuộc sống đi tới, hiện đại hoá tất yếu đang làm chuyển động mọi mặt đời sống, trong đó có cả những giá trị văn hóa truyền thống, và sự chuyển động đó không hề là một chiều, mà đầy nghịch lý, từng ngày. Những vấn đề giữa đi tới và gìn giữ, được và mất cũng gay gắt chẳng kém gì dưới này. Tôi chỉ mới nghĩ được đến một hướng: vì sự biến đổi, biến động là tất yếu, tức ở ngoài mong muốn và ý chí của chúng ta, vậy không nên và dẫu có nên và có muốn thì thật ra cũng chẳng có cách gì cưỡng lại được. Trái lại rất có thể chính trong chuyển động đó lại đang nảy sinh ra cái độc đáo mới. Hà Nội hay Sài Gòn chuyển động sang hiện đại thì có gì là lạ. Tây Nguyên hay Miền Tây, Cà Mau, Năm Căn, Rạch Gốc, Kinh Năm … chuyển động mới là lạ, mới thật thú vị và hấp dẫn. Có phải chính sự chuyển động khó khăn đó ở những vùng đất đặc biệt này và trong những con người này lại có thể chính là sản phẩm du lịch mới độc đáo của chúng ta? Có lẽ nên có một cách nhìn lại như thế chăng, đối với du lịch, quan niệm về du lịch, sản phẩm du lịch.

Tôi có anh bạn người Pháp tên là Boris Lojkine, vừa là giáo sư triết học vừa là nhà làm phim tài liệu tài năng, tác giả bộ phim rất hay “Những linh hồn phiêu dạt” về đề tài đi tìm mộ liệt sĩ sau chiến tranh ở nước ta. Vừa rồi anh đã trở lại Việt Nam và định làm một phim mới về các dân tộc thiểu số ở miền Trung. Tôi có giúp anh đi khảo sát ở vùng rừng núi và dân tộc Quảng Nam. Đi về anh rất thất vọng, vì những gì anh hình dung về một cảnh sắc văn hóa dân tộc độc đáo hoá ra đã mất gần hết rồi, nhà sàn đã thành nhà đất, mái tranh thành mái tôn, rừng núi thì xác xơ, nóng kinh khủng, thanh niên trong làng đường núi gập gềnh vậy mà phóng xe máy như điên (và tất nhiên không hề đội mũ bảo hiểm!). Ở đây cũng vậy, cái truyền thống độc đáo đang bị đánh lùi, dữ dội và hỗn hào, cái mới đang đến, hăng hái mà rối rắm … Chúng tôi có ngồi với nhau một đêm sau chuyến đi của anh, tâm sự đến khuya, và cuối cùng chúng tôi nhận ra điều này: sự chuyển động ở những vùng ấy là tất yếu, cái hỗn độn, cả mất mát nữa trong chuyển động ở đó cũng là tất yếu, đấy là cuộc sống, một cuộc sống đang vật vã chuyển mình, tìm hướng đi tới cùng thiên hạ và hết sức khó nhọc trong việc cố giữ sao cho mình vẫn là mình, không đánh mất mình mà lại phải đi tới được cùng người, không bị bỏ rơi lại phía sau ngày càng xa. Cuộc sống không dừng lại, bất chấp mọi nuối tiếc của chúng ta. Hình như bản chất con người vốn là luôn hoài cổ. Mà cái đẹp thì chính là ở trong sự chuyển động không ngừng, không gì ngăn được của cuộc sống. Nếu quả thật anh là một nghệ sĩ có tài thì anh có thể sẽ làm được một bộ phim rất hay, rất độc đáo về cuộc chuyển động cũng rất độc đáo của những dân tộc đang phải vượt qua những chặng đường, thậm chí những giai đoạn lịch sử không hề nhỏ, để là những dân tộc độc đáo tồn tại được cùng và giữa thế giới hiện đại … Tôi biết trở về Paris, Boris đang ấp ủ kịch bản cho một bộ phim mới như thế, và anh đang tìm tài chính cho bộ phim ấy. Có thể sẽ lại có được một bộ phim mới rất hay, và đầy gợi ý cho chính những vấn đề chúng ta đang bàn hôm nay.

Tôi kể câu chuyện này để xin thử gợi ý có phải “sản phẩm” du lịch văn hóa ở Miền Tây của chúng ta mà chúng ta sẽ định đem chào hàng cùng khách du lịch bốn phương không phải, không nên là những “phục chế” giả cái hoang dã đang mất đi (một cách tất yếu), đóng kịch trở lại như kiểu đám cưới thì lại phải áo dài khăn đóng, giả và diễn, để lừa chào khách. Mà là đưa khách cùng vào thâm nhập, thấy, hiểu được con người, văn hóa ở đây đang vật vã và dũng cảm chuyển động như thế nào để trở nên những con người Miền Tây, thật Miền Tây mà cũng sẽ thật hiện đại như ai. Tất nhiên trong cuộc chuyển động khó khăn, vật vã đó, có cái, có chỗ đã và đang thành công, có chuyện, có nơi đang rối rắm, rất rối rắm, thậm chí cũng không ít cái đổ vỡ, thất bại. Tất cả đều quý, và tôi nghĩ đưa người khách du lịch thật sự đến, biết, hiểu được tất cả những cái ấy thì sẽ là thật sự trao cho họ một sản phẩm du lịch rất quý, rất lạ và hiếm, rất đắt giá, cả sâu sắc nữa. Tôi tin con người Miền Tây, với chiều sâu nhân văn không khoa trương, ồn ào mà thâm trầm theo cách rất riêng của mình, đang và sẽ có cách đi của mình, hẳn rất độc đáo, trên đường hiện đại hoá tất yếu. Đang và sẽ có một kiểu văn hóa mới của riêng Miền Tây, độc đáo chẳng kém xưa, trong phát triển hôm nay. Du lịch bao giờ cũng là văn hóa, là trao đổi văn hóa, là hành động của những con người tìm đến với nhau bằng văn hóa, qua văn hóa. Du lịch rất cần tìm hiểu cho ra sự chuyển động và hình thành văn hóa mới của chuyển động đó trên vùng đất này để làm món “hàng độc” của mình. Tôi mong trong hội thảo này chúng ta thử trao đổi về nội dung và phương hướng du lịch ấy ở Miền Tây xem sao. Cần tìm một hướng đi mới, và theo tôi hướng đi đó chính là một hướng đi văn hóa, theo nghĩa sâu xa và cũng rất thời sự của văn hóa.

Còn một điều thứ hai hẳn không thể không quan tâm và không nói đến: đồng bằng Miền Tây, như ai cũng biết, là vựa lúa lớn nhất nuôi sống cả nước, nhưng nông dân ở đây lại nghèo, rất nghèo, và cái nghèo đó đã và đang đưa đến những vấn đề xã hội không lấy gì làm vui, có khi còn đau đớn nữa. Chắc ai cũng biết hàng vạn cô gái lấy chồng Hàn, chồng Đài, hàng trăm cô gái kéo lên thành phố tập họp, sắp hàng, làm cả những gì đó nữa để cho vài ba kẻ nước ngoài kệch cỡm và lố bịch “xem mắt”, những cô gái mơm mởn, hiền hậu và hiếu thảo của vùng đất đẹp biết bao này đã phải ném đời mình vào cuộc phiêu lưu may ít rủi nhiều ấy để cứu gia đình, mong mang lại một chút thư thới cho cha mẹ mình trong tuổi già, cho các em của mình được đi học, các cô gái ấy đều phần lớn từ Miền Tây này ra đi. Muốn nói gì thì nói, đây là một vết thương trong đời sống đất nước chúng ta hiện nay, của chính mỗi chúng ta, mà chúng ta nhất thiết không thể làm ngơ. Chúng ta đang bàn đến chuyện du lịch cộng đồng ở Miền Tây. Tại sao không nghĩ đến việc tìm mọi cách đưa lực lượng ấy vào dự án du lịch của chúng ta, như một trong những mục tiêu quan trọng nhất của dự án, hay đúng hơn, của công cuộc xã hội quan trọng này. Một số anh em chúng tôi ở Miền Trung đang làm một trường đại học, trong đó một trong những khoa quan trọng mũi nhọn là khoa du lịch. Và trong khoa du lịch, bên cạnh các lớp chính quy, đào tạo nhân lực cao cấp cho nhu cầu du lịch cao cấp đang phát triển mạnh ở ta, chúng tôi chủ trương rất coi trọng việc mở những lớp ngắn hạn về du lịch nhằm đối tượng là cộng đồng dân cư rộng rãi và bình thường, để giúp họ chuyển nghề khi các ngành kinh tế đang phát triển sẽ đẩy người nông dân ra khỏi đồng ruộng của họ. Chẳng hạn những lớp ngắn hạn mươi, mươi lăm ngày, vai ba tuần, một tháng … về dịch vụ du lịch cho các ông chủ nhà để khi có thể họ làm được kiểu du lịch home stay, hoặc những chỉ dẩn chuyên môn tối thiểu về du lịch và ngoại ngữ cho người dân thường làm hướng dẫn du lịch. Ở Népal có một lực lượng hướng dẫn leo núi là nghề hết sức cần thiết và có thể đem lại thu nhập cao. Tất nhiên ta không phải là Népal và không có Himalaya, nhưng ta có Đồng Tháp Mười, có U Minh Thượng và Hạ, có biển và hàng trăm đảo huyền ảo Kiên Hải, có những cách đồng mênh mông và sông nước tuyệt đẹp … Tôi hình dung, được huấn luyện không nhiều và chắc cũng không khó khăn lắm, các chàng trai, cô gái rất lanh lợi, thông minh, chất phác và đôn hậu của chúng ta ở vùng đất này làm hướng dẫn du lịch cho khách xa đến, hẳn sẽ rất thú vị và hấp dẫn. Chắc chắn không ai hiểu đất và người ở đây bằng họ, cũng không ai hiểu đến thấm thía những chuyển động xã hội đang diễn ra ở đây sâu, sát cho bằng họ… Ít ra, hãy thử làm xem. Sẽ là đóng góp xã hội lớn lắm của ngành du lịch nếu chúng ta góp phần tích cực “giải phóng” được hàng vạn chị em đồng bằng này ra khỏi cái dịch vụ đang là mối ô nhục có người đã gọi là có tính cách quốc thể kia.

Để làm được, hẳn phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lắm, tìm hiểu chi ly và tổ chức tận tuỵ, chu đáo lắm. Nhưng chắc chắn đây là việc lớn rất đáng bỏ trí tuệ và công sức để làm cho kỳ được. Vì nhân dân, vì Miền Tây thân yêu của chúng ta. Mong sao ngành du lịch thật sự vào cuộc, đúng như chủ đề của hội thảo này, du lịch cộng đồng, vì cuộc sống của nhân dân.

Một số ý kiến thô thiển của một người chắc chắn là không am hiểu bao nhiêu vùng đất này, nhưng từng và vẫn thiết tha yêu mến nó, xin trình bày. Rất mong được trao đổi.

Tháng 10-2007


Ảnh: Trương Công Khả, Metinfo

_